Tái cấu trúc - Cơ hội và thách thức nào cho doanh nghiệp trong năm 2023?

Giang Hoàng

27/06/2023

8819

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên thách thức trong năm 2023-2024, doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và giảm chi phí để cạnh tranh trong thị trường khốc liệt. Song, đây là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh, cơ cấu tổ chức để khơi phá tiềm lực của doanh nghiệp. 

Vậy tái cấu trúc là gì? Doanh cần làm gì để tận dụng cơ hội xoay mình để tái cấu trúc thành công và ứng phó hiệu quả những khó khăn trong nền kinh tế mới? CMC Consulting đã tổng hợp những thông tin mới nhất về tái cấu trúc cho doanh nghiệp tại bài viết dưới đây.

Tái cấu trúc – hành trình “làm mới” doanh nghiệp

Tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình thực hiện khảo sát, đánh giá lại toàn bộ cấu trúc của một doanh nghiệp ở hiện tại và trực tiếp đề xuất mô hình giải pháp cho mô hình cấu trúc mới nhằm tạo ra trạng thái hoạt động hiệu quả mới cho doanh nghiệp.

Đây là quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp căn cứ vào cấu trúc cũ. Mục đích chính là khắc phục điểm yếu kém, hạn chế khiến hoạt động của doanh nghiệp kém hiệu quả trên thị trường. Đồng thời, tái cấu trúc giúp doanh nghiệp khởi động lại và đem đến hiệu quả cao hơn, sứ mệnh, tầm nhìn vươn xa hơn. 

Một kế hoạch tái cấu trúc toàn diện bao trùm hầu hết các khía cạnh trong doanh nghiệp như cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nguồn nhân lực, các hoạt động, quá trình và các nguồn lực khác. Quy trình tái cấu trúc cũng có thể được triển khai cục bộ tại một hoặc nhiều mảng hoạt động của doanh nghiệp (tài chính, nhân sự, bán hàng, sản xuất,...) nhằm đạt mục tiêu là cải thiện năng suất của bộ phận đó.

Tái cấu trúc trong khó khăn 

Trong quá trình phát triển, để đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp thường xuyên trải qua quá trình chuyển đổi toàn diện từ chiến lược đến vận hành. Đặc biệt, trong bối cảnh dòng tiền bị đứt gãy, tiếp cận vốn khó khăn, các doanh nghiệp đang bắt đầu quyết liệt tái cấu trúc hoạt động nhằm từng bước vượt qua khó khăn. Theo đó, việc linh hoạt xoay chuyển theo diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phân khúc khách hàng và tập trung hơn cho nâng cao chất lượng nhân lực là điều mà nhiều doanh nghiệp hướng tới.

Doanh nghiệp tái cấu trúc trong để xoay mình trong nền kinh tế 2023

Theo khảo sát "CEO toàn cầu thường niên lần thứ 26 - Những vấn đề trọng yếu các CEO ở Việt Nam cần quan tâm" của PwC, có 69% CEO doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương tin rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong 12 tháng tới. Ngoài ra, 53% CEO cho rằng các mô hình kinh doanh hiện tại của họ sẽ không còn tồn tại trong thập kỷ tới, số này cao hơn 14% so với kết quả khảo sát toàn cầu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam cần chuyển đổi hoạt động kinh doanh để tồn tại và phát triển.

Bối cảnh hậu đại dịch với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và tình hình lạm phát tăng cao đã kéo chậm đà phục hồi của nền kinh tế, gây ra áp lực mạnh mẽ về dòng tiền và tài chính đối với doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ có những khác biệt lớn so với trước đây, bao gồm cả gia tăng về tần suất và quy mô tái cấu trúc đến nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn.

Thông qua quá trình làm việc với đối tác, PwC đã nhận thấy nhiều vấn đề phổ biến trong cơ cấu tổ chức và vận hành của doanh nghiệp. Các vấn đề này bao gồm thiếu xây dựng một chiến lược kinh doanh rõ ràng và chi tiết, sự thiếu kết nối giữa cơ cấu tổ chức và các mục tiêu, định hướng chiến lược. Ngoài ra, thiếu sót còn nằm ở việc chức năng nhiệm vụ trong công ty chưa được xác định và phân bổ hợp lý, cơ chế tương tác và phối hợp chưa rõ ràng, dẫn đến việc không tối ưu hóa được nguồn lực và chi phí. Nhiều doanh nghiệp còn chưa có cơ chế phân quyền rõ ràng, khiến quyết định tập trung tại cấp cao nhất trong công ty.

Theo ông Nguyễn Anh Hùng, Giám đốc Cao cấp Nguồn nhân lực tại PNJ, chiến lược quản trị nhân lực kéo dài 3-5 năm sẽ không còn hiệu quả khi biến động của thị trường gắn liền với sự biến đổi trong chiến lược vận hành của tổ chức. Coi việc vận hành doanh nghiệp như việc nuôi trồng cây xanh, trong môi trường khắc nghiệt, doanh nghiệp có thể “tỉa tán, tỉa cành” (tinh gọn chiến lược), nhưng phải giữ được “gốc rễ” (con người), “củng cố thân cây” (quy trình và công cụ) để có thể đứng vững và hồi sinh sau mọi cơn bão.

Tái cấu trúc – khơi thông tiềm lực doanh nghiệp

Tái cấu trúc doanh nghiệp không chỉ là một thách thức, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp thích nghi và phát triển trong một thị trường đầy biến động. Bằng cách xem xét và tối ưu hóa chiến lược, cơ cấu tổ chức, quy trình và công cụ, các doanh nghiệp có thể đạt được sự linh hoạt, tăng cường năng suất và giảm thiểu rủi ro. Điều quan trọng là phải đưa ra các quyết định dựa trên những thông tin, dữ liệu có cơ sở và sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ quy trình tái cấu trúc.

Thế giới vẫn đang thay đổi từng giờ với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt. Nếu không có sự phát triển vững vàng và thích nghi kịp thời, hoặc doanh nghiệp sẽ bị cuốn theo vòng xoáy của cơn lốc phát triển ấy, hoặc doanh nghiệp sẽ bị thụt lùi so với bước tiến chung của xã hội. Không phải chỉ khi nhận thấy doanh nghiệp đang gặp vấn đề, chúng ta mới tìm đến tái cấu trúc như một cọng rơm cứu mạng lúc hiểm nguy mà tái cấu trúc phải là “tấm bùa hộ mệnh” doanh nghiệp luôn mang theo bên người. Bởi, tái cấu trúc doanh nghiệp là gì nếu không phải là quá trình đánh giá và lại đánh giá, khảo sát và lại khảo sát liên tục, không ngừng nghỉ trong suốt “đời sống” của doanh nghiệp?

Chính nhờ sự khảo sát và đánh giá liên tục ấy, lãnh đạo có thể nhạy bén phát hiện ra sự không tương thích giữa nhu cầu của thị trường với sự cung ứng của doanh nghiệp, kịp thời cập nhật những công cụ quản trị tân tiến, liên tục làm mới tư duy lãnh đạo trong môi trường mới và hoàn cảnh mới. Kết hợp với sự thay đổi từ bên trong, tận dụng được những nguồn lực mà doanh nghiệp đang có, tất cả làm nên sức bật cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của mình so với những doanh nghiệp khác.

Đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh bằng tái cấu trúc

Với những thách thức và cơ hội trong năm 2023, doanh nghiệp nên xem xét việc sử dụng phần mềm quản lý quy trình vận hành để tái cấu trúc nhanh và hiệu quả hơn về lâu dài. Phần mềm quản lý quy trình vận hành giúp doanh nghiệp xác định và tối ưu hóa các quy trình, tăng cường sự linh hoạt và khả năng tương tác giữa các bộ phận trong tổ chức. Nó cũng giúp doanh nghiệp theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động, cung cấp thông tin cơ bản để đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu có cơ sở. Sử dụng phần mềm quản lý quy trình vận hành sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi và tạo ra sự cạnh tranh bền vững.

Trong tổng quan, tái cấu trúc doanh nghiệp trong năm 2023 không chỉ là một yêu cầu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp cần đối mặt với các thách thức kinh doanh và tận dụng cơ hội mới để thích ứng và tiến bước trên con đường thành công. Bằng cách thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi, sử dụng các công cụ quản lý hiện đại và tập trung vào nguồn lực chính là con người, các doanh nghiệp có thể vượt qua thách thức và thành công trong thị trường cạnh tranh.

Bài viết liên quan

Chat