MES là gì? Vì sao doanh nghiệp cần MES trong quản trị sản xuất?

Giang Hoàng

30/06/2023

3130

Cuộc cách mạng 4.0 đang định hình chiến lược của doanh nghiệp trong mọi hoạt động quản trị. Xu hướng ứng dụng các nền tảng công nghệ trong quản lý vận hành được doanh nghiệp, đặc biệt ngành sản xuất, đẩy mạnh sử dụng. Trong hoạt động sản xuất - nền tảng cốt lõi của ngành công nghiệp, hệ thống MES, với vai trò là hệ thống trung gian giữa hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP (Enterprise resources planning) và các hệ thống kiểm soát quy trình, cung cấp cho nhà quản lý nguồn dữ liệu chính xác về tiến độ, chất lượng quy trình sản xuất, hỗ trợ việc đưa ra kế hoạch cho nhà máy hoạt động hiệu quả hơn, đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

MES được đánh giá là một trong những giải pháp điều hành sản xuất tiên tiến trong xu thế chuyển đổi số doanh nghiệp đang được đẩy mạnh triển khai bởi để phát triển và dẫn đầu trong thị trường đầy cạnh tranh hiện nay. Trong bài viết này, CMC Consulting tổng hợp cho doanh nghiệp những thông tin mới nhất về hệ thống MES là gì và những lợi ích hệ thống MES mang đến cho doanh nghiệp.

1. Hệ thống MES là gì?

Hệ thống điều hành và thực thi sản xuất (Manufacturing Execution System – MES) là hệ thống thông tin kết nối, giám sát và kiểm soát các hệ thống sản xuất và luồng dữ liệu phức tạp trong nhà máy. Mục tiêu chính của MES là đảm bảo thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất và cải thiện năng suất lao động.

Hệ thống MES giúp thu thập dữ liệu về quá trình sản xuất, hiệu suất, truy xuất nguồn gốc, quản lý nguyên liệu và công việc đang tiến hành và các hoạt động khác của nhà máy. Những dữ liệu này cho phép những người ra quyết định hiểu tình trạng sản xuất hiện tại và tối ưu hóa quy trình sản xuất tốt hơn.

2. Chức năng cốt lõi của hệ thống MES trong sản xuất

Hệ thống MES hỗ trợ doanh nghiệp theo dõi, giám sát và thu thập dữ liệu chính xác về chu trình sản xuất. MES thường được tích hợp với các hệ thống quy trình kinh doanh và phần mềm ERP - phần mềm quản trị doanh nghiệp toàn diện, để cung cấp cho các tổ chức những cái nhìn sâu sắc về khả năng sản xuất của nó. 

  •  Thiết lập lịch trình sản xuất

MES thiết lập lịch trình sản xuất theo những yêu cầu của bản kế hoạch sản xuất được tiếp nhận từ hệ thống phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP. 

  •  Quản trị hoạt động sản xuất theo thời gian thực

MES thu thập và cập nhật toàn bộ dữ liệu của quá trình sản xuất theo thời gian thực. Thông qua việc kết nối với nền tảng IoT cho phép hệ thống quản lý dữ liệu về thời gian dừng máy, thời gian hoạt động của máy, số lượng sản xuất, sản lượng sản xuất. 

  •  Quản lý chất lượng

Ưu điểm của hệ thống MES là cho phép người dùng khai báo các tiêu chuẩn về chất lượng đối với nguyên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm; xây dựng quy trình lấy mẫu và đánh giá kết quả kiểm thử và có các hoạt động điều chỉnh đối với từng bậc kết quả. Quy trình lấy mẫu có thể được thực hiện ở bất kỳ khâu nào trong hoạt động sản xuất. Các thông tin về chất lượng được lưu trữ trên phần mềm để phục vụ cho việc lập báo cáo chất lượng hoặc truy xuất thông tin về lô hàng khi cần. Thông tin chất lượng sản phẩm sẽ được lưu trữ và xử lý trên một cơ sở dữ liệu duy nhất (cùng với dữ liệu của các quy trình tác nghiệp khác). Điều này giúp cho doanh nghiệp dễ dàng xây dựng các báo cáo về chất lượng, truy vết thông tin chất lượng khi cần.

  •  Quản lý truy xuất nguồn gốc

Hệ thống MES chuyển hóa thông tin sản phẩm thành dạng mã QR code/mã vạch. Khi cần truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người dùng chỉ cần sử dụng các công cụ quét mã tương thích. Chức năng quản lý truy xuất nguồn gốc cho phép người dùng có thể tra cứu tất cả thông tin về nhà sản xuất, thành phần sản phẩm, hạn sử dụng, đơn vị phân phối... , giúp người dùng có được thông tin toàn diện xuyên suốt chuỗi cung ứng.

  •  Thiết lập kế hoạch bảo trì

Từ việc quản lý dữ liệu của máy móc, phần mềm quản lý sản xuất sẽ tự động đưa ra các thông báo bảo trì, bảo dưỡng thiết bị khi cần thiết để giảm thời gian gián đoạn sản xuất, gia tăng hiệu suất hoạt động của nhà máy. 

  •  Phân tích hiệu suất máy móc (OEE – Overall Equipment Effectiveness)

Hệ thống MES thu thập dữ liệu để đo lường hiệu suất thiết bị tổng thể của máy móc dựa vào 3 yếu tố: A-Q-P (Availability – Mức sẵn sằng, Quality – Chất lượng, Performance – Hiệu suất) và qua đó giúp chỉ ra các vùng cơ hội để cải tiến. MES giúp cải tiến quy trình hoạt động của nhà máy. Với hệ thống MES, những lỗi phát sinh hoặc những quy trình hoạt động không hiệu quả sẽ được phát hiện từ đó người dùng có thể đưa ra những phương án cải tiến phù hợp.   

3. Vì sao doanh nghiệp cần sử dụng hệ thống MES?

Doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ môi trường  trong đó có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hướng đến quy trình sản xuất thông minh, quản lý dữ liệu theo thời gian thực, hệ thống điều hành & quản lý sản xuất MES là giải pháp giúp doanh nghiệp hạn chế được những nguy cơ tiềm ẩn. Có thể hiểu theo cách khác, triển khai hệ thống MES sẽ là sự lựa chọn hiệu quả nếu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bạn gặp một số lỗi dưới đây: 

  • Chậm trễ về tiếp cận thông tin: Mất nhiều thời gian để cập nhật những dữ liệu về hoạt động sản xuất dẫn đến việc đưa ra các quyết định không kịp thời hoặc kém hiệu quả. 
  • Khó khăn trong truy xuất tài liệu: Việc quản lý các tài liệu trên giấy tờ với số lượng lớn khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian để tìm kiếm hoặc truy xuất tài liệu khi cần, thậm chí trong một số trường hợp các tài liệu có thể bị mất. Điều này sẽ được khắc phục khi tổ chức sử dụng hệ thống quản lý sản xuất MES để quản lý tài liệu sản xuất.    
  • Khó khăn trong kiểm soát các hoạt động sản xuất: Quy trình sản xuất bao gồm nhiều giai đoạn và sử dụng nguồn nhân lực đôi khi sẽ không kiểm soát được chặt chẽ toàn bộ quá trình này dẫn đến một số lỗi phát sinh. Với hệ thống MES thì hoàn toàn khác, mọi dữ liệu trong vận hành sản xuất đều được cập nhật liên tục giúp người quản lý có cái nhìn bao quát toàn bộ quá trình. Ngoài ra, việc theo dõi trên phần mềm trực quan còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức.
  • Quá nhiều rủi ro hoặc phát sinh nhiều lỗi khi quản lý thủ công trên giấy tờ
  • Thiếu một hệ thống có thể kiểm soát toàn bộ các nguồn thông tin trong nhà máy 

4. Doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm ERP có cần MES nữa không?

Hầu như các nhà máy lớn đều trang bị phần mềm ERP và có nhiều lo ngại rằng MES khi được ứng dụng vào sản xuất có thể gây ra khả năng chồng chéo chức năng với hệ thống này. Tuy nhiên, ERP thường được định hướng xây dựng kế hoạch hợp lý cho nhà máy, trong khi MES quan tâm nhiều hơn đến hoạt động vật lý.

MES tập trung hoàn toàn vào khía cạnh sản xuất của một doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp theo dõi, giám sát và thu thập dữ liệu chính xác về quá trình sản xuất. Tuy nhiên, các chức năng của MES không mở rộng để bao gồm các lĩnh vực như quản lý tài chính hoặc chăm sóc khách hàng. Do đó để liên kết các thông tin về hoạt động sản xuất với các hoạt động từ bộ phận văn phòng (kinh doanh, bán hàng, mua hàng, quản lý nhân sự, chăm sóc khách hàng cũng như là tài chính kế toán) doanh nghiệp vẫn cần một hệ thống ERP toàn diện.

Với MES, thông tin từ ERP liên quan đến các yêu cầu sẽ được sử dụng làm cơ sở để xây dựng quy trình sản xuất cụ thể theo từng lô sản phẩm và theo dõi sát sao quy trình này. Ở chiều ngược lại, MES cung cấp thông tin có độ chính xác cao theo thời gian thực về các hoạt động sản xuất ở nhà máy trở lại ERP. Từ đó giúp hệ thống ERP cải thiện khả năng lập kế hoạch cho lần tới.

Với bề dày hơn một thập kỷ kinh nghiệm Chuyển đổi số cho doanh nghiệp Sản xuất, CMC Consulting là đơn vị dẫn đầu cung cấp giải pháp Tư vấn và Triển khai giải pháp Quản trị toàn diện ERP. Bằng đội ngũ chuyên gia giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực, CMC Consulting tự tin đồng hành, giải quyết triệt để mọi bài toán và đón đầu những công nghệ mới cho doanh nghiệp. 

Liên hệ để nhận tư vấn của Chuyên gia Chuyển đổi số Ngành Sản xuất tại đây.



Bài viết liên quan

Chat