QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP THEO ĐỊNH HƯỚNG ESG: CHÌA KHOÁ HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

CMC Consulting

16/10/2024

156

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, sự phát triển bền vững đã trở thành một xu thế không thể thiếu đối với các doanh nghiệp. ESG – viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội)Governance (Quản trị) – không chỉ là những tiêu chí nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững mà còn trở thành tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Việc thực hiện các tiêu chí ESG giúp mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Bài toán ESG đối với doanh nghiệp Việt Nam

Phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế chung của toàn cầu. Theo báo cáo của KPMG năm 2022, có đến 96% các doanh nghiệp lớn nhất thế giới đã công bố các báo cáo liên quan đến phát triển bền vững và ESG, với 64% trong số đó nhận định rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với hoạt động kinh doanh​. Điều này cho thấy, việc doanh nghiệp không bắt kịp xu thế ESG sẽ khó lòng trụ vững trên thị trường cạnh tranh toàn cầu.

Tại Việt Nam, với nền kinh tế xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc đều phải đối mặt với những quy định nghiêm ngặt liên quan đến phát thải carbon, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Việt Nam đang là nước có một nền kinh tế xuất khẩu, phụ thuộc nhiều vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Hiện EU chiếm 16% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và là khu vực nhập khẩu lớn thứ ba các sản phẩm của Việt Nam trên thế giới. Trước tình hình này, buộc các doanh nghiệp phải có các cam kết mục tiêu, thực thi cụ thể hóa hành trình hướng đến Net Zero.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nắm bắt, tiếp cận và áp dụng ESG vào chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) (chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp Việt Nam) thì nhiều doanh nghiệp mới chỉ ở mức nắm bắt cơ bản về ESG, chưa đi vào những chiến lược, kế hoạch, hành động cụ thể, ở khu vực các doanh nghiệp không có yếu tố xuất khẩu thì việc này chưa có sự quan tâm tích cực như khối các doanh nghiệp xuất khẩu.

Một trong những thách thức lớn là thiếu sự hỗ trợ từ phía chính phủ và các tổ chức quốc tế. Nhiều doanh nghiệp SMEs hiện vẫn chưa được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ tài chính hoặc các nguồn thông tin, tài liệu cần thiết để triển khai ESG một cách hiệu quả​. Điều này dẫn đến sự chênh lệch rõ rệt trong việc thực hiện ESG giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Doanh nghiệp được gì khi áp dụng ESG?

Việc áp dụng ESG mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, từ việc cải thiện hình ảnh, thương hiệu, đến việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và thu hút đầu tư.

  • Phát triển bền vững và mở rộng thị trường quốc tế

Một trong những lợi ích lớn nhất khi áp dụng ESG là giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì và mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường có yêu cầu cao về phát triển bền vững như Liên minh châu Âu (EU). Thông qua các chính sách như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay “Thỏa thuận xanh” của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe về phát thải và bảo vệ môi trường. Ví dụ, thép và thủy sản Việt Nam hiện đang là hai ngành cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về giảm thiểu tác động môi trường để có thể tiếp tục duy trì thị trường tại châu Âu​.

  • Nâng cao hình ảnh và thương hiệu

Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, việc thực hiện ESG còn giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh tốt hơn trong mắt khách hàng, nhà đầu tư, và các đối tác. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn chú ý đến trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tuân thủ ESG sẽ dễ dàng tạo dựng niềm tin với khách hàng và nâng cao uy tín thương hiệu.

Minh chứng rõ nét nhất có thể kể đến Vinamilk – một trong những công ty lớn nhất Việt Nam, đã liên tục nằm trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững. Công ty này không chỉ chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn thực hiện nhiều sáng kiến để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Điều này giúp Vinamilk duy trì vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu​

  • Giảm chi phí hoạt động

Bên cạnh việc nâng cao uy tín, ESG còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hoạt động. Khi đầu tư vào các giải pháp công nghệ xanh, doanh nghiệp có thể giảm thiểu lượng năng lượng, nước và nguyên liệu thô tiêu thụ. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

  • Thu hút nhân tài và giữ chân người lao động

Một doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ về ESG sẽ tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, từ đó thu hút và giữ chân nhân viên tài năng. Theo báo cáo từ PwC, người lao động ngày càng có xu hướng chọn các công ty có chính sách bền vững và trách nhiệm xã hội rõ ràng. Một lực lượng lao động gắn kết và có động lực sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn trong dài hạn​.

  • Tăng niềm tin của nhà đầu tư

Các nhà đầu tư ngày càng chú ý đến các yếu tố ESG, với gần 80% coi chúng là quan trọng trong các quyết định đầu tư và khoảng 50% sẵn sàng thoái vốn khỏi các công ty không hành động về các vấn đề ESG. Do đó, các công ty phù hợp với kỳ vọng ESG sẽ thu hút nhiều khoản đầu tư hơn và duy trì được sự tự tin của nhà đầu tư.

Hướng đi cho doanh nghiệp theo định hướng ESG

Yếu tố quản trị (Governance) trong ESG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Một hệ thống quản trị tốt sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, cải thiện hiệu quả hoạt động và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý. Đồng thời, quản trị tốt còn giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tạo niềm tin với các bên liên quan. Để thực hiện tốt ESG, các doanh nghiệp cần thực hiện theo 3 bước:

  • Thứ nhất, cần thành lập một đội ngũ chuyên trách hoặc bộ phận pháp chế nhằm theo dõi và cập nhật liên tục các thay đổi trong luật pháp và chính sách liên quan đến môi trường. Việc này giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các diễn biến chính sách và pháp lý có tác động trực tiếp đến hoạt động của mình.
  • Thứ hai, doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ và giải pháp thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường mà còn nâng cao hiệu quả trong quy trình sản xuất và kinh doanh.
  • Thứ ba, mục tiêu bền vững và trách nhiệm môi trường cần được tích hợp vào chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên nhìn nhận môi trường không chỉ như một thách thức pháp lý mà còn là cơ hội để đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp cần coi ESG như một công cụ, một "chiếc khiên" bảo vệ khỏi các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. Việc thu thập thông tin và xây dựng hệ thống dữ liệu để đối chiếu là rất quan trọng trong quá trình thực hiện ESG, nhằm tạo ra sự minh bạch, đáng tin cậy và trách nhiệm giải trình trong hoạt động kinh doanh. 

Để thực hiện được ESG, doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở nhận thức, mà cần có chiến lược, hành động cụ thể và hợp tác với các đối tác chuyên nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và triển khai ESG là yếu tố then chốt để thành công. CMC Consulting sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình xây dựng chiến lược ESG, cung cấp các công nghệ giải pháp phù hợp giúp chuyển đổi xanh, chuyển đổi kép, mang lại giá trị bền vững và bảo vệ doanh nghiệp trước những thách thức toàn cầu.

(5/5)

QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP THEO ĐỊNH HƯỚNG ESG: CHÌA KHOÁ HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP THEO ĐỊNH HƯỚNG ESG: CHÌA KHOÁ HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Bài viết xem nhiều

Bài viết liên quan

Chat